fbpx
Viện điện tử

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNews

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNews

SKĐS – Một trong những vấn đề đang nóng bỏng của ngành Y tế được đặt ra là quản lý bệnh viện sao cho hiệu quả.

Một trong những vấn đề đang nóng bỏng của ngành Y tế được đặt ra là quản lý bệnh viện sao cho hiệu quả. Thực tế hiện tại giám đốc điều hành là những bác sĩ giỏi chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp nhưng chưa phải là những nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp. Phải chăng, đây cũng chính là lý do chưa mang lại hiệu quả kinh tế, chưa tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và góp phần hạn chế sự hài lòng người bệnh khi đến khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế?

Cùng Gặp gỡ đầu năm  trò chuyện với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; đồng thời là Tổng thư ký CLB Giám đốc Bệnh viện Việt Nam; Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện ASEAN; Thành viên Hội đồng cố vấn Hiệp hội Bệnh viện châu Á – Thái Bình Dương.

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNewsPGS.TS. Lương Ngọc Khuê với tư cách đồng chủ tịch, phát biểu tại Diễn đàn Hội nghị Quản lý bệnh viện  châu Á tổ chức tại TP.HCM tháng 9/2016

PV: Xin chào PGS.TS. Lương Ngọc Khuê. Là một người trực tiếp quản lý các hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh, ông đánh giá thực trạng quản lý bệnh viện ở nước ta hiện nay như thế nào?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, việc quản lý ở mỗi bệnh viện (BV) có những phương pháp khác nhau, có thể tóm tắt trong hai mô hình chính. Tại các BV tư nhân, BV hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Quy mô có thể nhỏ vài chục giường nhưng vẫn có CEO (Tổng giám đốc điều hành) và bên dưới có các giám đốc chuyên môn, giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự… Mô hình thứ hai tại các BV công. Giám đốc thường là những người có uy tín về chuyên môn do tập thể bầu lên. Phần lớn giám đốc là những người có uy tín, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi quản lý. Tuy nhiên, đôi khi cũng có những trường hợp người giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc đã quản lý giỏi. Vì thế có ý kiến cho rằng, “không nên biến một nhà chuyên môn giỏi thành nhà quản lý tồi”.  Quản lý là một khoa học và nghệ thuật bao trùm các lĩnh vực, đòi hỏi có kiến thức tổng hợp trong khoa học và xã hội.

Nhiều bác sĩ đã trải qua thời kỳ quản lý bệnh viện đều có chung nhận định: việc quản lý BV ở nước ta nhìn chung ít đạt hiệu quả kinh tế. Ông có đặt nặng hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực y tế không? Vì sao?

Do nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa nên trước đây các BV công đều được Nhà nước bao cấp toàn bộ. Bác sĩ, giám đốc chỉ cần tập trung vào công tác chuyên môn thật tốt, KCB tốt cho người dân là đủ và BV không phải “đi làm kinh tế”, đã có ngân sách Nhà nước lo. Vì thế nhận định trên đặt trong bối cảnh 20 năm trước đây cũng phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại thời điểm đó.

Hiện nay, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đổi mới toàn diện cơ chế tài chính, các BV cần tiến tới tự chủ tài chính nên việc quản lý đặt ra bài toán và thách thức cho các BV, vừa cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt, vừa bảo đảm cân đối được thu chi, nâng cao hiệu quả kinh tế y tế.

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%
3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNewsPGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý  Khám chữa bệnh thăm hỏi tặng quà cho người bệnh tại BV. Đa khoa Phú Thọ

Như vậy làm thế nào để lãnh đạo BV trở thành những nhà quản trị chuyên nghiệp là hết sức cần thiết? Có xu hướng đề bạt cán bộ không nhất thiết phải giỏi về chuyên môn nhưng phải giỏi về quản trị và am hiểu công việc quản lý BV không, thưa ông?

Lộ trình tiến tới “chuyên nghiệp” trong bối cảnh tư duy quan liêu, bao cấp vẫn còn nặng ở nhiều nơi là một chặng đường không bằng phẳng. Để trở thành nhà quản trị BV chuyên nghiệp, đầu tiên cần nghiên cứu và nắm vững đầy đủ các văn bản quản lý Nhà nước, quản lý tài chính, chất lượng…

Lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn người bệnh là số 1, hướng tới sự hài lòng người bệnh

Hiện nay trong các BV công, hiện tượng phổ biến là BV có giám đốc kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Nếu các giám đốc này vừa giỏi chuyên môn, có năng khiếu quản trị, chỉ đạo, tập hợp nhân viên đoàn kết thì rất tốt cho cả BV, nhân viên và người bệnh. Nhưng bên cạnh đó có những giám đốc chỉ mải làm chuyên môn sẽ dẫn tới chất lượng không đáp ứng yêu cầu, chưa làm người bệnh hài lòng.

Giám đốc cần là nhà quản trị, kỹ trị BV. Vì thế, nếu BV nào có giám đốc chỉ mải đi mổ, mải làm chuyên môn thì khâu quản lý sẽ buông lỏng và BV sẽ khó phát triển tốt. Do vậy không nhất thiết giám đốc làm chuyên môn mà có thể chỉ cần tập trung làm quản lý BV cho thật tốt. Bên dưới sẽ có các giám đốc chuyên môn và thầy thuốc lo tập trung vào KCB.

Trong quá trình chuyển đổi, hướng đến BHYT toàn dân, các BV hướng tới tự chủ, đổi mới cơ chế tài chính; giám đốc BV công trở thành người thay mặt Nhà nước quản lý BV, cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Do vậy, giám đốc không nhất thiết phải là người giỏi tay nghề chuyên môn mà là người quản lý, thay mặt cho Nhà nước quản lý các BV đó. Những người giỏi chuyên môn sẽ được mời là giám đốc chuyên môn. BV sẽ có nhiều giám đốc khác như: giám đốc điều dưỡng, giám đốc chất lượng, thậm chí có cả giám đốc marketing phụ trách quảng cáo, chăm sóc khách hàng… Sẽ chuyên nghiệp hóa các nhà quản lý theo lĩnh vực, như vậy sẽ không biến một thầy thuốc giỏi thành nhà quản lý tồi.

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNewsKhi có người quản lý bệnh viện chuyên nghiệp, các thầy thuốc tập trung vào chuyên môn, chăm sóc người bệnh chu đáo nhất

Theo ông, nếu thực sự việc quản lý BV được chuyên nghiệp hóa thì đội ngũ y bác sĩ và đặc biệt là người bệnh được hưởng lợi gì?

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng việc “chuyên nghiệp hóa” đội ngũ quản lý là con đường tất yếu đi lên. Các BV tương lai sẽ hoạt động như doanh nghiệp công ích đặc biệt. BV không hoạt động vì lợi nhuận nhưng cần bảo đảm đời sống cho nhân viên. Khi BV chuyên nghiệp hóa công tác quản lý thì người thầy thuốc, điều dưỡng… được hưởng rất nhiều lợi ích, chỉ cần tập trung vào điều trị, cứu chữa cho người bệnh thật tốt, bảo đảm chất lượng lâm sàng và dịch vụ và không phải lo làm thế nào để “kiếm tiền nuôi BV”. Nhà quản trị chỉ tập trung vào quản lý vận hành BV cho tốt, cân bằng thu chi, bảo đảm đời sống cho nhân viên, và cần trả lương cao để bù đắp công sức lao động của người thầy thuốc và tái sản xuất sức lao động.

BV là cơ quan phi lợi nhuận. Đối với BV công thì Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng. Đối với BV tư nhân thì các ông chủ và cổ đông bỏ tiền ra. Nhà quản lý có thể đi vay tiền để đầu tư cho BV. Nhà quản lý cũng cần quan tâm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên y tế. Quản lý nhân lực và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt mang tính sống còn. Một tác động tích cực khác đó là người bệnh, đây chính là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất. Quyền lợi người bệnh được bảo đảm. Người bệnh khi đến BV sẽ được chăm sóc và điều trị tốt hơn, thu chi tài chính minh bạch hơn. Nếu quá tải thì người bệnh khổ mà bác sĩ, điều dưỡng cũng đều khổ.

Ngành Y tế có đặt ra một lộ trình đổi mới nào cho công tác quản lý BV không, thưa ông? Nếu có thì cụ thể ra sao? Còn nếu không thì tại sao không?

Để nâng cao trình độ quản lý của lãnh đạo BV, Bộ trưởng Bộ Y tế (BYT) đã cho phép Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) thành lập Trung tâm đào tạo (TTĐT) và phát triển năng lực khám, chữa bệnh. Trước đây BYT đã có Trường đào tạo Cán bộ quản lý y tế. Hiện nay Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội và TP.HCM cũng đã được thành lập các TTĐT cán bộ quản lý. Các trung tâm này góp phần nâng cao trình độ quản lý cho các nhà quản trị BV.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý KCB đã tổ chức các diễn đàn quản lý y tế, quản lý chất lượng BV, trong đó có 3 lần đăng cai tổ chức Diễn đàn Quản lý BV châu Á có sự tham dự của hàng nghìn nhà quản lý BV giỏi trên thế giới. BYT cũng đã thành lập CLB Giám đốc BV. Các thành viên sinh hoạt tại 3 miền đã chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để quản lý BV tốt hơn. TTĐT của Cục Quản lý KCB đã tổ chức nhiều khóa Quản lý BV, Quản lý Chất lượng BV cho hàng trăm giám đốc và hàng nghìn nhà quản lý y tế. Các trường đại học đã tổ chức các khóa đào tạo và mời các nhà quản lý đến chia sẻ kinh nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nâng cao kiến thức quản lý.

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNews

Trong vài năm gần đây, Cục Quản lý KCB đã xây dựng nhiều văn bản và tham mưu cho lãnh đạo BYT tiến tới hội nhập quốc tế về quản lý BV, đặc biệt là tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Bộ tiêu chí chất lượng BV gồm 83 tiêu chí. Trong một hội nghị quốc tế, tôi có được mời chủ trì hội thảo có sự tham gia của BV. John Hopkins, là BV liên tục 22 năm được bầu chọn có chất lượng tốt nhất. Có thể nói là tầm nhìn của Bộ tiêu chí Việt Nam cũng có chung định hướng chất lượng với Bộ tiêu chuẩn chất lượng của JCI (Join Commission International), một tiêu chuẩn chất lượng y tế của Mỹ có uy tín nhất tầm quốc tế, đó là lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn người bệnh là số 1, hướng tới sự hài lòng người bệnh.

Không nhất thiết giám đốc làm chuyên môn mà có thể chỉ cần tập trung làm quản lý BV
cho thật tốt. Bên dưới sẽ có các giám đốc chuyên môn và thầy thuốc lo tập trung vào KCB

Sau 3 năm các BV triển khai áp dụng ở cả công lập và tư nhân, Bộ tiêu chí này đã từng bước làm thay đổi quan điểm và tư duy quản lý của các nhà quản lý. Đến năm 2016, các BV toàn quốc cũng đã bắt đầu áp dụng Bộ tiêu chí này, thậm chí những nơi miền núi, vùng xa, khó khăn sau khi áp dụng Bộ  tiêu chí đã cải tiến chất lượng mạnh mẽ và vươn lên đạt kết quả rất ấn tượng. Ví dụ như: BVĐK tỉnh Phú Thọ sau khi áp dụng Bộ tiêu chí, tỉ lệ chuyển tuyến giảm chỉ còn 1% và vươn lên thành BV vùng, thực hiện kỹ thuật cao, người bệnh có thẻ điện tử, hành lang, sảnh chờ có nhạc nghe, có hoa tươi. Nhiều địa phương nghèo như: Nga Sơn (Thanh Hóa), Phú Vang (Thừa Thiên Huế), BVĐK tỉnh Ninh Thuận, BVĐK tỉnh An Giang, Tam Nông (Đồng Tháp), quận Thủ Đức (TP.HCM) đã đổi mới tư duy quản lý và đạt chất lượng tốt, làm người bệnh hài lòng.

Có thể nói, Bộ tiêu chí đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của ngành Y tế. Các tiêu chí chất lượng giúp cho giám đốc các BV cả công và tư, BV công an, quân đội cũng đưa Bộ tiêu chí vào để quản trị BV được tốt. Tôi rất cảm động khi được nghe nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV. Việt Đức, một nhà quản trị ưu tú: “Tôi rất tâm đắc với Bộ tiêu chí chất lượng BV mới như bây giờ mà BYT đưa ra. Các đồng chí đã tham khảo các nước trên thế giới để đưa ra lộ trình là tuyệt vời. Lộ trình ấy mà thực hiện được thì ngành Y tế sẽ đột phá lên mức rất cao”! Lộ trình này cũng nhận được hưởng ứng của nhiều bệnh viện ở vùng khó khăn như BVĐK tỉnh Hà Tĩnh phát biểu: “Việc BYT đưa Bộ tiêu chí chất lượng BV là cực kỳ đúng đắn, như kim chỉ nam cho các BV trên toàn quốc áp dụng để nâng cao chất lượng KCB”.

Tôi tin rằng, nếu các nhà quản trị bệnh viện nào cũng đồng thuận và đổi mới tư duy sâu sắc như thế và cùng quyết tâm đồng hành với lộ trình ấy theo Bộ tiêu chí thì chắc chắn người dân Việt Nam sẽ được hưởng dịch vụ KCB có chất lượng cao hơn và cao hơn nữa trong thời gian tới.

Trước thềm năm mới đầy hứng khởi, kính chúc bạn đọc báo SK&ĐS thật nhiều thành công, luôn mạnh khỏe, và “không phải đến bệnh viện”, cho dù bệnh viện có Giám đốc hoặc CEO giỏi cỡ nào chăng nữa!

Xin trân trọng cảm ơn

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê. Kính chúc ông năm mới tràn đầy nhiệt huyết để luôn sát cánh cùng các bệnh viện vì mục tiêu: an toàn cho sức khỏe và làm hài lòng người bệnh là trên hết!

Trâm Quyên thực hiện

Nguồn Suckhoedoisong.vn

Gặp gỡ đầu năm: Quản trị bệnh viện trước thềm năm mới 2017 – SKDSNews

(Lưu ý: Việc đáp ứng với các liệu trình điều trị, máy, thiết bị trợ giúp là khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người !
Những thông tin y học trên website chỉ mang tính tham khảo, bạn không được tự ý áp dụng nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc !)

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%
3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua
DMCA.com Protection Status