fbpx
Viện điện tử

Tai biến mạch máu não (đột quỵ não)

1. Tổng quan về tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não (còn gọi là Đột quỵ não) đã, đang và sẽ vẫn là vấn đề thời sự cấp thiết của y học nói chung và phục hồi chức năng nói riêng đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới. Tai biến mạch máu não có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, địa phương, hoàn cảnh kinh tế, xã hội. Tai biến mạch máu não thường xảy ra với những người đang ở trong độ tuổi lao động và những người trên 50 tuổi, họ đã có nhiều cống hiến cho gia đình và cộng đồng, họ cần có sự chăm sóc toàn diện của gia đình và cộng đồng cả về y tế và xã hội. Tai biến mạch máu não là loại bệnh lý thường gặp, hàng năm ở Trung Quốc có khoảng 370 người, Nhật Bản có từ 340 đến 532 người, Việt Nam có từ 288 đến 416 người trong số 100.000 người dân bị tai biến mạch máu não.

Tai biến mạch máu não là loại bệnh có thể gây tử vong nhanh, có tỷ lệ tử vong cao, đứng thứ ba sau ung thư và các bệnh Tim mạch. Nếu không tử vong, tai biến mạch máu não đồng thời cũng là loại bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề dẫn đến tàn tật nhiều nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học nước ngoài có từ 1/3 đến 2/3 người bệnh sống sót sau tai biến mạch máu não để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn; 17% người bệnh có từ hai loại di chứng trở lên; 71% người bệnh giảm khả năng lao động; 66% người bệnh không thể trở lại làm việc được vì mất khả năng lao động; 62% người bệnh giảm các hoạt động xã hội; 51% người bệnh bị phụ thuộc về tự chăm sóc bản thân; 38% người bệnh giảm khả năng giao tiếp; 11% người bệnh không tự đi lại; 24% người bệnh phải ở lâu dài trong các cơ sở điều dưỡng hoặc bệnh viện.

Ở Việt Nam nhiều kết quả điều tra và nghiên cứu cho thấy 50% bệnh nhân tai biến mạch máu não sống sót để lại di chứng trong đó 92,96% di chứng về vận động; 68,42 di chứng vừa và nhẹ; 27,69% di chứng nặng; 92% người bệnh liệt nửa người đang sống tại gia đình và cộng đồng vẫn cần luyện tập phục hồi chức năng. Các di chứng do tai biến mạch máu não đặc biệt di chứng về vận động là gánh nặng không chỉ đối với bản thân người bệnh và gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng và quốc gia mà họ đang sống. Bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não là người đa tàn tật vì ngoài giảm hoặc mất khả năng vận động, họ còn có nhiều rối loạn chức năng khác kèm theo như rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn thị giác, rối loạn cảm giác, rối loạn nhận thức…

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não

Nguyên nhân đứng đầu gây nên tai biến mạch máu não hiện nay là xơ vữa động mạch sau đó là tăng huyết áp rồi đến tắc mạch do cục máu từ tim lên não như trong bệnh hẹp van hai lá, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn… Nếu chỉ có tăng huyết áp nhưng thành mạch máu còn tốt chưa bị xơ vữa sẽ khó gây nên tai biến mạch máu não, ngược lại nếu thành mạch bị vữa xơ cộng thêm với bệnh tăng huyết áp thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não sẽ tăng lên 7 lần.

Tai biến mạch máu não hay gặp nhất ở những người trên 50 tuổi, nam giới bị nhiều nhiều hơn nữ. Tai biến mạch máu não thường xảy ra về mùa lạnh, những tháng chuyển mùa như tháng 2, tháng 3, tháng 10, tháng 11 và những ngày thay đổi thời tiết đột ngột.

Tai biến mạch máu não không phải là bệnh di truyền nhưng có yếu tố gia đình, hay xảy ra với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường, những người béo phì, uống nhiều rượu, nghiện thuốc lá, những người ít hoạt động thể lực, ít thể dục thể thao.

3. Chẩn đoán và xử trí tai biến mạch máu não

Có hai loại tai biến mạch máu não, đó là chảy máu não và thiếu máu não cục bộ (hay còn gọi là nhồi máu não hoặc lấp mạch não). Thiếu máu não cục bộ thường gặp nhiều hơn chảy máu não. Biểu hiện các triệu chứng của chảy máu não thường đột ngột, nhanh, rầm rộ hơn, nặng lên liên tục trong 12 giờ đầu. Tỷ lệ tử vong do chảy máu não cao hơn nhiều so với thiếu máu não cục bộ.

Chẩn đoán tai biến mạch máu não ở cộng đồng căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng qua hỏi và thăm khám: bệnh xảy ra đột ngột và nhanh, tiến triển trong vài giờ, biểu hiện các rối loạn chức năng như đau đầu, nôn, mất ý thức (bất tỉnh), liệt nửa người (liệt một tay và một chân cùng bên), liệt mặt, nói ngọng hoặc không nói được, các khám xét đã loại trừ nguyên nhân chấn thương. Bệnh nhân cần được đưa ngay đến các cơ sở Y tế gần nhất.

4. Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Để không xảy ra tai biến mạch máu nãovới các hậu quảnặng nề và lâu dài như đã kể trên thì phòng ngừa là vấn đề vô cùng quan trọng. Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ là một trong những khâu quan trọng nhất trong phòng ngừa tai biến mạch máu não, cụ thể là kiểm soát tăng huyết áp, giữ huyết áp luôn ở mức không cao quá 140/90 mmhg bằng nhiều biện pháp khác nhau như giảm cân nếu có béo phì, ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, ăn thêm hoa quả, rau tươi và dùng thuốc hạ huyết áp đều đặn.

Bệnh nhân cần phải cai thuốc lá tuyệt đối, ăn ít mỡ động vật, nên ăn dầu thực vật, dùng thuốc điều trị giảm mỡ máu, cai rượu, điều trị và dự phòng đái tháo đường… để làm giảm hoặc loại bỏ tất cả các nguyên nhân có thể gây nên tai biến mạch máu não.

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua

 

5. Liệt nửa người do tai biến mạch máu não

Liệt nửa người là biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của tai biến mạch máu não, trong dân gian người ta thường gọi là bán thân bất toại hoặc liệt bán thân. Liệt nửa người là liệt mặt, liệt chân tay và thân mình cùng một bên. Nếu tổn thương nửa não bên phải bệnh nhân sẽ bị liệt nửa người bên trái, nều tổn thương nửa não bên trái bệnh nhân sẽ bị liệt nửa người bên phải. Ngoài bị liệt về vận động, bệnh nhân cũng có thể bị giảm hoặc mất cảm giác, giảm khả năng nghe, giảm khả năng nhìn ở bên nửa người bị liệt. Cùng với liệt nửa người bệnh nhân có thể bị nói ngọng hoặc không nói được nếu liệt nửa người bên phải, hoặc rối loạn cảm xúc cười khóc vô cớ, quyên nếu liệt nửa người bên trái.

Đặc điểm của liệt nửa người là một vài tuần đầu bệnh nhân bị liệt mềm, không cử động được chân tay vì các cơ bị liệt mềm nhẽo, người ta gọi là trương lực cơ bị giảm hoặc mất. Sau một vài tuần từ liệt mềm sẽ dần chuyển thành liệt cứng, các cơ bị co cứng gọi là tăng trương lực cơ làm cho bệnh nhân cử động khó khăn hoặc không cử động được nếu như co cứng quá mức. Sau giai đoạn liệt cứng bệnh nhân có thể thực hiện được một số vận động của tay, chân và thân mình.

Nếu được tập luyện và phục hồi chức năng sớm bệnh nhân có thể thực hiện được nhiều vận động hơn theo các cách mà trước khi bị liệt bệnh nhân đã làm, người ta gọi là theo mẫu vận động bình thường. Thực hiện được nhiều vận động theo mẫu vận động bình thường cũng có nghĩa là bệnh nhân có thể thực hiện được nhiều hoạt động chức năng trong tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân… tham gia một số hoạt động của gia đình và cộng đồng để tái hòa nhập trở lại với cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

Nếu không được tập luyện phục hồi chức năng sớm và đúng cách, những co cứng của tay, chân và thân mình sẽ trở nên nặng hơn, từ co cứng trở thành co rút, người bệnh có thể mất khả năng vận động. Như vậy từ một người bình thường bệnh nhân trở thành người người khuyết tật rồi sau đó là tàn tật, khi đó bệnh nhân trở thành người phụ thuộc hoàn toàn vào người khác trong mọi hoạt động kể cả các hoạt động trong tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Bệnh nhân không những không thể tái hội nhập trở lại với cuộc sống của gia đình và cộng đồng mà còn thực sự trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

6. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân cần được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay sau khi bệnh nhân bị tai biến, thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn liệt của bệnh nhân. Trong giai đoạn đầu khi còn liệt mềm các kỹ thuật chủ yếu là chăm sóc điều dưỡng để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra ngay và các thương tật thứ phát sẽ xảy ra sau này.

Các kỹ thuật phục hồi chức năng trong giai đoạn này chủ yếu là giữ cho quần áo, ga trải giường luôn sạch sẽ và khô ráo, lăn trở bệnh nhân từ 2 đến 3 giờ một lần, không để bệnh nhân nằm lâu ở một tư thế, hướng dẫn bệnh nhân tập thở kiểu thở Hoành, vỗ rung lồng ngực và tập ho nếu có nhiều đờm rãi. Cùng với tập lăn trở là các kỹ thuật vị thể, nghĩa là để bệnh nhân nằm ở các vị thế khác nhau theo mẫu phục hồi để phòng ngừa co cứng, kết hợp với các bài tập vận động thụ động nửa người bên liệt do cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân, thậm trí có thể hướng dẫn bệnh nhân dùng tay và chân bên lành tập cho bên bị liệt.

Tiếp theo là các kỹ thuật tập luyện vận động tích cực hơn, đó là vận động có trợ giúp, vận động chủ động vì bệnh nhân không thể phục hồi được nếu không có vận động chủ động. Bệnh nhân phải được luyện tập phục hồi ở các vị thế khác nhau như nằm, ngồi, đứng, đi ở bệnh viện cũng như ở nhà, vì có nhiều động tác vận động bệnh nhân có thể làm được khi nằm nhưng chưa chắc đã làm được khi ngồi và khó hoặc không thể làm được khi đứng và đi.

PGS.TS. Trần Văn Chương – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng – Bệnh vện Bạch Mai
Nguồn Thaythuocvietnam.vn

(Lưu ý: Việc đáp ứng với các liệu trình điều trị, máy, thiết bị trợ giúp là khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người !
Những thông tin y học trên website chỉ mang tính tham khảo, bạn không được tự ý áp dụng nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc !)

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua
DMCA.com Protection Status