fbpx
Viện điện tử

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VÀ MẤT VỮNG CỘT SỐNG

(ĐTĐ) – Cột sống là một tập hợp gồm nhiều đốt sống xếp chồng lên nhau. Một hệ thống các dây chằng kết nối các đốt sống lại với nhau, giữ cho các đốt sống chuyển động nhịp nhàng với nhau mỗi khi chúng ta di chuyển, làm việc, cử động (hình 1).

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VÀ MẤT VỮNG CỘT SỐNG

Hình 1: Cấu trúc của khớp và dây chằng.

Mặc dù các đốt sống luôn chuyển động, luôn thay đổi các góc độ kết hợp với nhau khi chuyển động, nhưng sự chuyển động của mỗi đốt sống đều nằm trong một thể thống nhất, hài hòa. Các động tác cúi, ngửa, nghiêng đều có thể dễ dàng thực hiện nhưng cũng đều bị chặn trong một tầm mức nhất định, không thể cúi quá, ngửa quá hoặc nghiêng quá, do sự phối hợp hoạt động của hệ thống cơ, khớp, bao khớp và dây chằng, giống như hoạt động của cây đàn phong cầm. Khi đó, người ta nói rằng cột sống vững.

Vì một lí do gì đó, chuyển động của từng đốt sống không duy trì được sự trật tự vốn có của nó, các đốt sống không còn hoạt động nhịp nhàng trong tổng thể sự chuyển động của cả cột sống. Sự xuất hiện những chuyển động khác thường, những chuyển động ngược hướng với nhau, hoặc sự gập, duỗi quá mức bình thường của cả cột sống được gọi là hiện tượng mất vững cột sống.

Thoái hóa khớp cột sống thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên, khi phối hợp với bệnh viêm khớp, có thể gặp bệnh này ở những người trẻ tuổi. Bệnh thoái hóa khớp cột sống do khớp của cột sống bị thoái hóa. Đa số các trường hợp bao khớp phì đại, ngấm vôi và nứt vỡ, rách đứt, từ đó khớp không còn ổn định, mỗi khi người bệnh di chuyển, các thành phần của khớp lại bị lúc lắc, xục xịch, tạo nên sự mất ổn định của khớp cột sống gọi là mất vững.

Khi người bệnh mất vững cột sống di chuyển hoặc cử động, gây ra sự xê dịch của các cấu trúc xương ở đĩa cuối của thân đốt sống và các khớp trong bệnh lí mất vững, kích thích quá trình tái tạo các dây chằng hoặc các cấu trúc liên quan, làm cho các dây chằng và bao khớp cứ ngày càng phì đại to ra, dần dần gây hẹp lỗ liên hợp hoặc hẹp ống sống ngày càng nặng.

Đồng thời, sự di chuyển và cử động của người bệnh mất vững cột sống cũng làm cho các thành phần sụn và bao xơ của đĩa đệm bị nứt vỡ, gây ra các chuyển động bất thường, từ đó gây ra các chèn ép và gây ra đau (hình 2).

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VÀ MẤT VỮNG CỘT SỐNG

Hình 2: Thương tổn nứt vỡ sụn, đĩa cuối, khớp…

Bệnh lí mất vững cột sống thắt lưng thường biểu hiện bằng đau thắt lưng, thường gây ra hiện tượng tê một hoặc hai chân, đặc biệt hiện tượng này tăng lên khi đi, đi càng xa tê càng nhiều và đến một mức nào thì hai chân co cứng, người bệnh không thể đi tiếp được mà phải nghỉ. Hiện tượng này gọi là cách hồi thần kinh, hay còn gọi là hiện tượng “giả cách hồi”, giống như hiện tượng cách hồi (đi – nghỉ – đi – nghỉ…), gặp ở các bệnh lí hẹp hoặc tắc động mạch chân (hình 3). Trong bệnh lí mất vững cột sống, thường hai chân không bị lạnh và mạch mu chân vẫn đập bình thường, ngược lại với trường hợp thuyên tắc động mạch, chân thường lạnh và mạch mu chân không nhảy. Ngoài ra, suy van tĩnh mạch hai chân cũng cho triệu chứng tương tự và thường kèm theo phù hai chân khi đi nhiều.

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VÀ MẤT VỮNG CỘT SỐNG

Hình 3: Đi cách hồi, đi một khúc phải nghỉ, bóp chân.

Sự mất vững là nguyên nhân gây đau hàng đầu trong bệnh lí mất vững cột sống thắt lưng. Ngoài ra, yếu tố gây đau trong bệnh lí mất vững thường có kèm theo quá trình viêm bởi sự xuất hiện của một lớp mô viêm khi các cấu trúc kế cận bị xê dịch, chà xát lên nhau lúc người bệnh cử động, đi lại. Mất vững cột sống thắt lưng còn có thể gây ra đau thần kinh tọa, giảm hoặc mất cảm giác, yếu hoặc liệt một hoặc cả hai chân giống như trong bệnh lí thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua

Nếu mất vững xảy ra ở cột sống cổ, ngoài hiện tượng đau cổ vai và các biểu hiện của bệnh lí rễ, bệnh lí tủy giống như trong bệnh lí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, triệu chứng chóng mặt khi cử động cổ tương đối phổ biến. Triệu chứng này làm cho các bác sĩ hay bị nhầm lẫn với rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, trong bệnh lí mất vững cột sống cổ, chóng mặt chỉ xảy ra khi cử động cổ, còn nếu người bệnh nẹp cổ lại thì nằm, ngồi, xoay trở thế nào cũng không bị chóng mặt.

Chụp Xquang cột sống động (dynamic Xray) là phương tiện chẩn đoán mất vững hiệu quả nhất. Vì hiện tượng mất vững cột sống tương đối phổ biến, nhiều trung tâm trên thế giới chủ trương chụp Xquang cột sống động cho tất cả bệnh nhân có đau thắt lưng hoặc đau thần kinh tọa, đau cổ gáy… Tại EXSON, các bác sĩ thường yêu cầu chụp Xquang cột sống động giống như các trung tâm lớn trên thế giới, nhưng trong nhiều trường hợp, người bệnh cho rằng chụp Xquang là vô bổ, tốn tiền và độc hại, nhất là những người đã chụp cộng hưởng từ (hình 4, hình 5).

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VÀ MẤT VỮNG CỘT SỐNG

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VÀ MẤT VỮNG CỘT SỐNG

Hình 4 và 5: Các kiểu mất vững cột sống thắt lưng trên XQuang.

Các trường hợp mất vững cột sống mà không có triệu chứng gì cũng cần phải điều trị. Phương pháp điều trị chủ yếu cho những trường hợp này là tập luyện. Các bài tập vận động theo kiểu tăng sức cơ lưng và tăng sức cơ bụng đều gián tiếp làm cho các dây chằng và bao khớp được tập luyện, gia tăng độ chắc bền của các dây chằng và bao khớp. Khi dây chằng và bao khớp đủ chắc chắn, hiện tượng mất vững sẽ giảm hoặc hết hẳn.

Khi hiện tượng mất vững cột sống gây đau thắt lưng và các bài tập vận động không giúp ích cho người bệnh, các phương pháp trị liệu khác và thuốc được sử dụng. Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau và giãn cơ thường được các bác sĩ sử dụng cho các trường hợp này. Các phương pháp vật lí trị liệu khác như sóng ngắn (hoặc hồng ngoại), siêu âm, laser, kích thích điện cũng có thể được sử dụng tùy theo cách thức và vị trí đau cụ thể.

Khi có đau hoặc tê theo một phần hay toàn bộ lĩnh vực chi phối của thần kinh tọa (từ thắt lưng lan xuống mông, lan dọc theo mặt ngoài hoặc mặt sau đùi, mặt ngoài hoặc mặt sau cẳng chân, bàn chân hoặc các ngón chân), thuốc và vật lí trị liệu sẽ được chú trọng hơn. Nếu sau một khoảng thời gian, thường là 3 đến 6 tuần điều trị thuốc và vật lí trị liệu mà không đỡ, tiêm thấm sẽ được chỉ định.

Đối với đau thắt lưng và thần kinh tọa do mất vững cột sống thắt lưng, biện pháp tiêm thấm thường được áp dụng là phong bế ngoài màng cứng và phong bế rễ thần kinh. Các biện pháp phong bế thường có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, nhất là khi người bệnh còn mang nẹp lưng, nhưng sau một thời gian nó lại dễ dàng tái phát trở lại.

Việc bất động cột sống bằng nẹp ngoài là phương pháp chữa đau do mất vững cột sống thắt lưng hoặc chóng mặt do mất vững cột sống cổ thường xuyên được áp dụng. Việc bất động cột sống bằng nẹp ngoài nên được thực hiện khi bệnh nặng, có chỉ định mổ nhưng chưa mổ ngay được, hoặc ở giai đoạn cấp của bệnh, khi người bệnh đau nhiều, đau dữ dội, không thể di chuyển được. Đối với các trường hợp mất vững còn nhẹ và mới chỉ có đau thắt lưng hoặc đau cổ, chưa có đau lan xuống tay hoặc chân hoặc khi chưa có biểu hiện của bệnh lí tủy (trong trường hợp mất vững cột sống cổ), việc tập cử động vùng cột sống bị mất vững có ý nghĩa rất quan trọng. Sự cử động kích thích quá trình liền lại các cấu trúc bị rách đứt, làm trẻ hóa các dây chằng, bao khớp do việc tăng tốc quá trình tiêu hủy các tế bào thoái hóa.

Về nguyên tắc, khi mang nẹp ngoài, cột sống sẽ bị hạn chế trong một số động tác, hạn chế sự tác động lên thần kinh từ đó ít khi gây đau hơn. Nhưng mặt khác, nẹp ngoài hạn chế cử động sẽ làm cho quá trình trao đổi chất trong hệ thống bao khớp và dây chằng giảm đi, tăng mức độ tích tụ tế bào già, tế bào thoái hóa trong các cấu trúc đó, làm cho hệ thống bao khớp và dây chằng ngày càng yếu đi, và người bệnh bị lệ thuộc vào nẹp ngày càng trầm trọng. Do vậy, nẹp ngoài chỉ nên được coi là một phương pháp giảm đau tức thì và tạm thời, cả người bệnh và bác sĩ đều không nên lạm dụng.

Khi mất vững cột sống thắt lưng trở nên trầm trọng, gây ra các thương tổn thần kinh hoặc làm giảm nghiêm trọng khả năng đi lại của bệnh nhân, đặc biệt là khi xuất hiện hiện tượng cách hồi thần kinh, thường người ta phải giải quyết bằng mổ.

Mục đích của cuộc mổ điều trị bệnh lí mất vững là làm vững lại cột sống. Để làm vững cột sống, người ta phải hàn xương giữa các đốt sống mất vững. Muốn cho xương ghép liền tốt giữa các đốt sống, khu vực đó phải được bất động. Hiện nay, bất động tốt nhất, cho kết quả liền xương tốt nhất là bất động bằng dụng cụ bất động trong (còn gọi là nẹp vít). Dụng cụ này gồm những vít bằng kim loại bắt vào thân đốt sống và được kết nối với nhau bằng các thanh dọc, thanh ngang hoặc hệ thống các nẹp cũng được chế tạo từ kim loại. Trong một khoảng thời gian nhất định, hệ thống này bất động các đốt sống, tạo điều kiện cho xương mọc ra, hàn liền các đốt sống vào với nhau, từ đó cột sống trở nên vững chắc.

Đối với các trường hợp mất vững cột sống cổ gây chóng mặt hoặc gây ra các thương tổn thần kinh, đặc biệt là khi có bệnh lí tủy, các bác sĩ cũng sẽ bắt buộc phải chỉ định mổ cho người bệnh. Đối với các trường hợp mất vững cột sống cổ mà trên lâm sàng chưa có biểu hiện thần kinh nhưng trên hình ảnh cộng hưởng từ MRI cho thấy có hiện tượng nhồi máu tủy, chỉ định mổ làm cứng cột sống cổ cũng được đặt ra. Đây là trường hợp duy nhất mà chỉ định mổ chỉ dựa trên chẩn đoán hình ảnh mà không phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng, vì tính chất nguy hiểm có thể có của loại bệnh lí này, do việc có nguy cơ xảy ra thương tổn tủy cổ vĩnh viễn, dẫn đến sự tàn phế vĩnh viễn của người bệnh.

Trường hợp mổ làm cứng cột sống cổ, tùy theo số lượng đốt sống cần làm cứng, tùy theo thói quen của thầy thuốc mà chọn mổ đằng trước hay đằng sau. Đa số các bác sĩ lựa chọn mổ đằng trước khi cần kết hợp ít hơn hoặc bằng 3 đốt sống với nhau và mổ đằng sau khi phải kết hợp từ 4 đốt sống trở lên.

BS. Võ Xuân Sơn
Phòng khám Quốc tế EXSON

(Lưu ý: Việc đáp ứng với các liệu trình điều trị, máy, thiết bị trợ giúp là khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người !
Những thông tin y học trên website chỉ mang tính tham khảo, bạn không được tự ý áp dụng nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc !)

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua
DMCA.com Protection Status