fbpx
Viện điện tử

Thuốc Đông y chẳng phải luôn “hiền”

(ĐTĐ) – Thuốc Đông y cũng có những độc chất như trong thuốc Tây y. Vì vậy, phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng lâu dài, trong khi chưa biết trong toa ấy có chứa độc chất hay không.
 

Cách nay vài năm, báo chí đăng tin về việc nhiều người dân ở TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) nhận lầm cây thương lục là một loại sâm và đổ xô xin cây giống về trồng, ngâm rượu rễ củ để uống gọi là bổ dưỡng. Sau đó, người viết đã nhận được mẫu cây cũng được cho là “cây sâm” gởi đến từ một người bạn ở Đức Hòa (Long An). Người bạn cho biết nhiều người dân Đức Hòa đã trồng “cây sâm” này lấy bộ rễ củ ngâm rượu uống và mong muốn “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Người viết đã nhờ các đồng nghiệp bộ môn Dược liệu, Khoa Dược, ĐHYD TP.HCM, định danh “cây sâm” và tức tốc thông báo: “Bạn cố gắng giải thích cho mọi người biết đây là cây thương lục chứ không phải là sâm. Trong cây nhìn cứ tưởng là sâm này có chứa chất độc, nếu ngâm rượu uống lâu ngày có thể bị hại đấy!”. Như vậy, bà con ta đã nhận lầm một cây thương lục là cây thuốc bổ dưỡng và ngâm rượu uống thoải mái mà không biết rằng đây là cây không dùng thì tốt hơn.

Thuốc Đông y chẳng phải luôn “hiền”

Ngày 4/11/2011 vừa qua, BV. Nhi Trung ương cho biết có 4 trẻ dưới 1 tuổi bị ngộ độc nặng suýt nguy đến tính mạng do cha mẹ dùng thuốc bôi ngoài da gọi là “thuốc cam” bôi chữa các nốt nhiệt hoặc vết viêm ở miệng của trẻ. Thuốc cam được xem là một loại thuốc Đông y. Xét nghiệm cho thấy mẫu thuốc cam chứa hàm lượng chì lên đến 10%.

Hiện nay trong nhân dân có quan niệm phổ biến cho rằng thuốc Đông y (bao gồm thuốc Bắc và thuốc y học cổ truyền) không độc hoặc ít độc hơn thuốc Tây y. Quan niệm này có lý do của nó, phần lớn thuốc Tây y đi từ con đường tổng hợp của hóa học, tức là những hóa chất ít nhiều độc tính, trong khi phần lớn thuốc Đông y xuất phát từ cây cỏ là sinh chất thiên nhiên dễ hòa hợp với sự sống của con người hơn các chất nhân tạo. Trước đây khá lâu các nhà dược học thường đưa ra trường hợp long não (camphre) để chứng minh ưu điểm của thuốc điều chế từ hợp chất thiên nhiên: long não chiết ra từ cây long não (Cinnamomun camphora, họ Lauraceae) tỏ ra không độc bằng long não tổng hợp bằng con đường nhân tạo. Thật ra, trước đây vì phương pháp tổng hợp chưa hoàn chỉnh nên người ta không tách được long não tả triền là chất độc ra khỏi hỗn hợp, do đó long não tổng hợp độc hơn, khó khăn này hiện nay đã khắc phục dễ dàng.

Nhưng từ quan niệm thuốc Đông y ít độc để đi đến chỗ lạm dụng, sử dụng bừa bãi, cứ uống nhiều thuốc đông y vào “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” là điều hết sức nguy hại. Cần biết rằng, thuốc Đông y không chỉ gồm có những vị thuốc bào chế từ cây cỏ hiền hòa không có độc tính, mà còn có cả những vị thuốc rất độc làm từ khoáng chất và từ thực vật. Chưa kể người ta có thể dùng nhầm thực vật rất độc để làm thuốc, nhiều người đã tử vong do dùng.

Về khoáng chất, có một số vị thuốc Đông y rất độc, phải xem đó là độc chất. Đó là: thần sa, chu sa (chứa thủy ngân), thạch tín, khinh phấn… Cách đây gần hai chục năm, một đề tài nghiên cứu của Trung tâm Cấp cứu TP.HCM (nay là BV. Sài Gòn) cho thấy đã có hàng trăm ca ngộ độc thuốc Đông y xảy ra trong một thời gian ngắn. Nội dung đề tài có báo cáo một bài thuốc dân gian gồm có “thần sa tán nhỏ cho vào tim heo hấp chín rồi dùng” đã gây ngộ độc. Chính bài thuốc này truyền miệng, được tiếp thu một cách không hiểu biết, tưởng là thuốc bổ có thể sử dụng lâu dài, đã đưa đến cái chết thương tâm cho một nạn nhân được đưa đến Trung tâm Cấp cứu, không giải độc kịp Về thực vật có độc tính, có thể kể:

Á phiện: nhựa lấy từ trái của cây thuốc phiện (Papaver somniferum L., họ Papaveraceae) dùng để chữa ho, giảm đau, chữa đau bụng, tả lỵ. Nếu dùng quá liều thì nguy hiểm cho tính mạng do sự ức chế trung tâm hô hấp ở hành tủy. Cần chú ý, trước đây có một số thuốc y học cổ truyền (như lục thần thủy) hoặc thuốc Tây y (như élixir parégorique) trị tiêu chảy có chứa vị thuốc này.

Phụ tử: vị thuốc lấy từ rễ củ của cây ô đầu Việt Nam (Aconitum fortunei Hemsl., họ Ranuculaceae) hay của nhiều loại Aconitum khác, trong Đông y được dùng làm thuốc hồi dương, khử phong hàn, chữa một số bệnh trụy tim mạch, ra nhiều mồ hôi, tay chân lạnh giá. Trong vị thuốc này có chứa aconitin là một chất cực độc: chỉ cần 2 đến 3mg aconitin có thể gây chết người. Một số thuốc Đông y như Trấn kinh hoàn, Bát vị hoàn có chứa vị thuốc này.

Mã tiền: vị thuốc bào chế từ hạt cây mã tiền (Strychnos nux vomica L., họ Loganiaceae). Mã tiền sử dụng trong Đông y cũng giống như strychnin được sử dụng trong Tây y. Đó là vị thuốc kích thích tiêu hóa, chữa nhức mỏi tay chân, chữa đau dây thần kinh và thiếu máu. Độc tính của mã tiền là do chất strychnin. Nếu dùng quá liều sẽ gây cơn co giật kiểu uốn ván và nạn nhân chết vì ngạt thở do cơ hô hấp bị co giật kéo dài.

Cà độc dược là vị thuốc lấy từ lá cây cà độc dược (Datura metel L., họ Solanaceae). Dùng cà độc dược trong Đông y giống như dùng atropin, hyoscin, scopolamin trong Tây y. Được dùng để chữa hen suyễn, giảm đau chống co thắt trong bệnh loét dạ dày và ruột, chữa chóng mặt, nôn mửa khi đi máy bay, tàu xe. Có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều do chất atropin làm tê liệt hệ đối giao cảm: giãn đồng tử, mạch nhanh, giảm tiết dịch, tê liệt. Nạn nhân chết do hôn mê.

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua

Riêng về cây thương lục, ở Việt Nam có 3 loại, đơn cử một loài có tên khoa học Phytrolacca esculenta, họ Phytolaccaceae. Dược thảo này không được dùng làm vị thuốc bổ mà được phối hợp với các thuốc khác chữa cổ trướng, bệnh thận. Đặc biệt, rễ thương lục có chất độc là các phytolaccatoxin. Dùng ở người lâu dài và quá liều có thể bị ngộ độc; ngộ độc nhẹ: thân nhiệt tăng, tim đập nhanh, đau bụng, nôn mữa; liều lớn gây ngộ độc nặng: liệt thần kinh, hôn mê, hạ huyết áp, tim ngừng đập gây tử vong (Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, Nhà Xuất bản Khoa Học & Kỹ thuật, Hà Nội, 2003).

Cuối cùng, cần phải đặc biệt ghi nhận là các loại dược liệu, dược thảo trong quá trình chế biến bảo quản dùng làm thuốc có thể chứa các độc chất gây nguy hiểm. Như thuốc cam đề cập ở trên chứa chì thuộc loại này.

Thuốc Đông y cũng có những độc chất như trong thuốc Tây y; vì vậy, phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện, sử dụng lâu dài – trong khi chưa biết trong toa ấy có chứa độc chất hay không. Cũng đừng quá tin vào cái nhãn hiệu “gia truyền” mà giao phó sức khỏe cho những người không được đào tạo chuyên môn hay hành nghề không theo sự quản lý của ngành y tế.

Nguồn Suckhoedoisong.vn

(Lưu ý: Việc đáp ứng với các liệu trình điều trị, máy, thiết bị trợ giúp là khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người !
Những thông tin y học trên website chỉ mang tính tham khảo, bạn không được tự ý áp dụng nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc !)

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua
DMCA.com Protection Status