fbpx
Viện điện tử

Một số xét nghiệm hóa sinh máu thường gặp

(ĐTĐ) – Những năm gần đây, việc khám kiểm tra sức khỏe được người dân đặc biệt quan tâm. Bên cạnh khám lâm sàng, còn được khám cận lâm sàng (siêu âm, điện tim, xét nghiệm). Nhờ đó, việc kiểm tra, đánh giá sức khỏe ngày càng khách quan, chính xác hơn. Để giúp chúng ta nắm chắc tình trạng sức khỏe của bản thân, chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng và điều trị kịp thời, không để xảy ra các biến chứng. Bài viết dưới đây xin giới thiệu những hiểu biết cơ bản về các xét nghiệm hoá sinh thường gặp.

1. Glucose máu:

Xét nghiệm này dùng để đánh giá lượng đường trong máu. Xét nghiệm này còn dùng để kiểm soát hay chẩn đoán và theo dõi đường huyết ở bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Chế độ ăn nhiều tinh bột thường làm tăng lượng đường trong máu. Glucose trong máu tăng cao, sẽ được dự trữ tại gan và cơ vân dưới dạng glycogen sau khi ăn. Tại gan, glycogen sẽ biến đổi thành glucose và phóng thích vào trong máu giữa các bữa ăn. Ngoài ra, glucose cũng được biến đổi thành triglyceride để tạo năng lượng dự trữ. Glucose là nguồn cung cấp năng lượng chính cho tế bào của cơ thể. Nhiữu tế bào (ví dụ tế bào não và tế bào hồng cầu), hoàn toàn phụ thuộc vào glucose máu như là nguồn năng lượng chính. Mặt khác, não đòi hỏi nồng độ glucose trong máu ổn định để duy trì chức năng bình thường của não. Bình thường nồng độ glucose trong máu là 4,4-6,1mmol/l. Đường máu tăng trong bệnh Đái tháo đường, bệnh Basedow, u não, bệnh viêm màng não, chấn thương sọ não, suy gan, viêm tụy, sau ăn… Đường máu giảm do gắng sức cơ kéo dài, đói, u lành tuyến tụy, bệnh Addison, suy gan nặng, thiểu năng tuyến yên, tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận, một số bệnh tâm thần kinh…

Theo tổ chức y tế thế giới (1999) nếu thử ít nhất 2 lần đều thấy glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ hoặc thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống ≥ 11,1mmol/l hoặc mức huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) ≥ 7,0mmol/l thì được chẩn đoán là đái tháo đường. Các trường hợp có mức glucose lúc đói từ 5,6-6,9mmol/l cần làm nghiệm pháp tăng glucose máu để phát hiện tiền đái tháo đường. Nếu glucose máu < 2,5-2,8mmol/l kèm theo các triệu chứng phù hợp với hạ đường huyết và các triệu chứng đó giảm nhẹ sau khi nồng độ glucose huyết tương tăng thì được chẩn đoán là hạ đường huyết. Hạ đường huyết có thể gây ra lú lẫn hoặc hôn mê. Để bảo đảm kết quả glucose huyết tương chính xác, nên làm xét nghiệm ngay sau lấy máu hoặc tách huyết tương ngay, để tránh hồng cầu ăn glucose.

Khi xét nghiệm đường máu cao trước hết chúng ta phải điều chỉnh chế độ ăn như chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần trong ngày, không ăn đường và sản phẩm có đường, hạn chế ăn tinh bột, đặc biệt mỗi bữa chỉ ăn 01 bát cơm; ăn nhiều rau, đậu phụ trước khi ăn cơm cho đỡ đói. Khi đường máu hạ nên uống đường glucose, chuẩn bị ít kẹo cà phê khi hạ đường huyết thì ăn.

2. Urê, Creatinin:

Xét nghiệm urê, creatinin máu để đánh giá chức năng thận. Urê là sản phẩm thoái hóa quan trọng nhất của protein, được tổng hợp ở gan, còn creatinin được tạo ra chủ yếu trong cơ và là sản phẩm cuối cùng của creatinphosphate (một dạng dự trữ năng lượng chủ yếu sử dụng cho việc co cơ). Chúng đều là sản phẩm cặn bã không còn tác dụng, được lọc qua cầu thận rồi đào thải qua nước tiểu. Chỉ số urê, creatinin máu càng cao thì chức năng thận càng kém. Tuy nhiên, urê máu dễ thay đổi theo chế độ ăn, như khi ăn nhiều đạm thì urê máu cũng tăng theo; còn creatinin ít chịu ảnh hưởng của chế độ ăn, chế độ nước tiểu hoặc những thay đổi sinh lý khác mà chỉ phụ thuộc vào khối lượng cơ của cơ thể và khả năng đào thải của thận. Do đó xét nghiệm urê máu không chính xác bằng creatinin máu. Khi cầu thận bị tổn thương, creatinin trong máu tăng sớm hơn so với urê máu và trong lâm sàng việc xét nghiệm creatinin máu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh viêm thận mạn tính hơn urê. Song các thầy thuốc thường cho làm xét nghiệm creatinin đi kèm với urê máu để đánh giá chức năng lọc của thận được chính xác hơn. Bình thường, nồng độ urê trong huyết tương là 2,5-8,3mmol/l. Urê máu tăng khi cơ thể tăng tổng hợp urê do chế độ giàu đạm hoặc tăng chuyển hóa đạm của cơ thể (sốt cao, nhiễm khuẩn, sau mổ hoặc chấn thương…); khi cơ thể giảm đào thải urê ra ngoài do đái ít (bệnh tim, xơ gan), mất nước (ỉa lỏng, nôn nhiều); trong các bệnh cầu thận, ống thận cấp và mạn tính; do tắc đường ống dẫn nước tiểu như trong ung thư hoặc phì đại lành tính tiền liệt tuyến, sỏi đường tiết niệu. Urê huyết tương giảm có thể gặp trong chế độ ăn nghèo đạm, đái tháo đường, suy gan nặng.

Ở người bình thường nồng độ creatinin trong máu dao động từ 62-115µmol/l. Khi trị số creatinin máu bắt đầu tăng là phản ánh chức năng thận bắt đầu giảm. Nếu creatinin trong máu tăng đến 130µmol/l thì chắc chắn thận đã bị suy và nếu trên 170µmol/l thì tương đương việc giảm 50% chức năng thận. Creatinin trong máu tăng trong các bệnh viêm thận, cắt bỏ thận, bí đái, cản trở đường niệu đạo, tăng huyết áp vô căn, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim có ứ máu… Creatinin trong máu giảm trong phù viêm, suy gan, bệnh cơ.

Khi urê và creatimin máu cao nên uống nước để tăng khả năng lọc của thận, ăn nhạt, hạn chế ăn thức ăn có nhiều đạm. Nếu urê vẫn tăng trên 10mmol/l và creatinin trên 130µmol/l thì phải đến cơ sở y tế để khám kiểm tra.

3. Cholesterol, Triglicerid, LDL-c, HDL-c:

Mỡ máu (Lipid máu) là một chất béo không tan trong nước. Trong cơ thể hay trong máu nó thường được nối kết với các lipoprotein là những “xe chuyên chở” và trở thành chất tan trong nước (máu) rồi theo máu đi khắp cơ thể. Mỡ máu gồm có cholesterol, triglicerid, các phospholipid và một số chất khác.

Cholesterol máu có vai trò quan trọng trong cấu tạo màng tế bào, các hormon sinh dục, thượng thận, tái tạo vitamin D và tạo muối mật để tiêu hóa thức ăn. Bình thường cholesterol huyết tương từ 2,8-5,2mmol/l; Tăng Cholesterol thường gặp trong tăng bẩm sinh, các rối loạn lipid – protid, VXĐM, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, ăn nhiều thịt, trứng. Giảm cholesterol khi bị đói kéo dài, nhiễm urê huyết, ung thư giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, cường giáp, bệnh Basedow, thiếu máu, suy gan…

Triglicerid máu là một loại mỡ kết hợp chiếm phần lớn trong cơ thể, có chức năng tạo năng lượng; bình thường triglycerid huyết tương từ 0,55-2,3mmol/l. Triglicerid được coi là yếu tố nguy cơ độc lập của XVĐM, tăng triglicerid phối hợp với các yếu tố khác thì dễ gây VXĐM; nếu quá 11mmol/l có thể dẫn đến viêm tụy cấp tính.

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua

LDL-c là lipoprotein có chức năng vận chuyển cholesterol được hấp thu từ ruột hoặc do gan sản xuất đến các tế bào sử dụng. Bình thường LDL-c huyết tương từ 0,5-3,4mmol/l; nếu dư thừa, cholesterol sẽ lang thang trong máu rồi bám chặt vào thành động mạch tại những nơi nội mạch bị tổn thương, lớp này chồng lên lớp kia, dần dần làm lòng mạch hẹp lại và cứng lên mất đi tính đàn hồi và gây VXĐM. Vì vậy, tăng LDL-c tức tăng nguy cơ VXĐM là có hại.

HDL-c là lipoprotein tựa như những xe thu gom những cholesterol thừa từ các tế bào toàn cơ thể đưa và gan để tiếp tục chuyển hóa thành nội tiết tố, muối mật và sắc tố mật cho cơ thể. Bình thường HDL-c huyết tương ở 0,9mmol/l; nếu tăng HDL-c là rất tốt để giảm VXĐM, có lợi cho sức khỏe.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu là một trong các yếu tố nguy cơ quan trọng gây VXĐM, còn VXĐM là nguyên nhân chính gây các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ… Bộ ba lipid gây xơ vữa động mạch là: tăng LDL-c, giảm HDL-c, tăng triglicerid; còn cholesterol là yếu tố nguy cơ độc lập của VXĐM và làm giảm cholesterol máu là giảm nguy cơ bệnh mạch vành, hạn chế sự phát triển và làm thoái biến mảng XVĐM; triglicerid cũng được coi là yếu tố nguy cơ độc lập của XVĐM, tăng triglicerid phối hợp với các yếu tố khác thì dễ gây VXĐM. Hội tim mạch Việt Nam khuyến cáo, chứng rối loạn lipid máu có thể là nguyên nhân nguyên phát hay thứ phát; đối với thể thứ phát, phải điều trị bệnh chính gây ra chứng đó như đái tháo đường, suy thận mạn, hội chứng thận hư… hoặc phải ngừng một số thuốc gây rối rối loạn lipid máu như corticosteroid, chẹn beta, hypothiazid…. Mục tiêu điều trị chứng rối loạn lipid máu là đưa các thông số lipid máu và giới hạn bình thường hoặc gần bình thường.

Để theo dõi tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu cần xét nghiệm cholesterol toàn phần ít nhất 2 năm 1 lần; nếu thấy kết quả trên 5,2 mmol/l thì làm tiếp các thông số khác. Làm đầy đủ các thông số lipid máu nếu có bệnh mạch vành hoặc tền sử có cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim; có các bệnh do VXĐM, hoặc có trên 2 yếu tố nguy cơ như béo phì, tăng huyết áp, tền sử gia đình có người mắc bệnh mạch vành sớm hoặc rối loạn lipid máu. Để kết quả xét nghiệm chính xác, cần nhịn ăn 12 giờ, không uống rượu 24 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm. Làm xét nghiệm 3 lần , mỗi lần cách nhau 1-8 tuần vì sai số cho phép độ thay đổi sinh học.

Khi có rối loạn lipid máu phải giảm cân xuống dưới mức bình thường; luyện tập thể thao một cách phù hợp. Không ăn tiết canh và nội tạng động vật như lòng lợn, tim, gan, thận, lách, óc. Hạn chế uống bia rượu, nước uống có ga đóng chai, hộp, lon, hút thuốc lá; ăn chất béo bão hoà như mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, bơ, sữa bò, thức ăn dạng chiên; da, thịt sẫm màu, các đồ ăn dạng quay, rán nướng. Giảm ăn chất bột, đường, muối, thực phẩm muối. Tăng cường ăn cá, đậu phụ, đỗ các loại, chất xơ từ rau quả tươi. Rối loạn lipid máu có thể là nguyên nhân thứ phát, phải điều trị bệnh chính gây ra chứng đó như đái tháo đường, suy thận mạn, hội chứng thận hư… hoặc phải ngừng một số thuốc gây rối loạn lipid máu như corticosteroid, chẹn beta, hypothiazid….

4. Men gan SGOT, SGPT, GGT

Có 3 men gan khác nhau được đưa vào trong các xét nghiệm thông thường. Đó là SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase) hoặc AST (Aspartate Aminotransferase); SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase) hoặc ALT (Alanine Aminotransferase) và GGT (Gamma Glutamyl Transpeptidase).

Men SGOT (AST) là một enzyme ở trong bào tương và ty lạp thể của tế bào, bình thường được tìm thấy ở nhiều cơ quan như gan, tim, cơ, thận và não. Bình thường khi tế bào của tổ chức này chết đi nó được phóng thích vào máu với nồng độ từ 4-37U/L. SGOT tăng cao trong máu khi có viêm gan, nhồi máu cơ tim hoặc bệnh lý tổn thương cơ. Do vậy, men này không đặc hiệu cho tình trạng tổn thương gan.

Men SGPT (ALT) là một enzyme ở trong bào tương được tìm thấy phần lớn ở trong gan chỉ số bình thường khi phóng thích vào máu có nồng độ từ 5-40U/L, tăng cao khi có hiện tượng tổn thương gan. Do đó có thể xem men này là một dấu chỉ tương đối đặc hiệu cho tình trạng của gan.

Men GGT là men trong tế bào biểu mô ống mật, có trị số bình thường trong huyết tương <50U/L. Men thường tăng trong các bệnh về gan, mật như viêm gan do rượu, do thuốc, do virus, gan nhiễm mỡ, nghẽn tắc đường ống dẫn mật. Đặc biệt cao trong tắc mật ngoài gan, ung thư gan, hoại tử gan do rượu.

Xét nghiệm men gan huyết tương để đánh giá tình trạng hủy hoại tế bào gan hoặc tế bào tổ chức có men trên. Nồng độ các men gan không có tương quan đến phạm vi tổn thương gan và tiên lượng. Do đó nồng độ các men này không được sử dụng để đánh giá độ nặng và tiên lượng của bệnh gan. Ví dụ bệnh nhân bị viêm gan virus A cấp tính có thể có nồng độ SGOT, SGPT rất cao; nhưng hầu hết các bệnh nhân viêm gan virus A cấp tính có thể hồi phục hoàn toàn. Ngược lại, bệnh nhân nhiễm virus viêm gan virus C mạn tính chỉ có nồng độ SGOT và SGPT tăng nhẹ nhưng một số bệnh nhân này âm thầm khởi phát bệnh gan mạn tính như viêm gan mạn tính và xơ gan. Khi các men gan tăng cao nên xét nghiệm thêm các xét nghiệm để xác định xem cơ thể có bị nhiễm virus viên gan B hoặc C không để có hướng điều trị.

Khi tăng men gan chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, nên làm việc và vận động nhẹ nhàng, tránh căng thẳng thần kinh. Uống nhiều nước, ăn nhẹ, chất dễ tiêu, đủ calo; hạn chế mỡ; tăng đường, đạm, hoa quả; không uống bia rượu. Khi có biểu hiện suy gan thì cần hạn chế đạm. Lưu ý khi sử dụng các thuốc dễ gây độc cho gan (như thuốc giảm đau hạ sốt; thuốc kháng sinh như Tetracyclin, Bactrim, Diozepan, kháng sinh chống lao…) không dùng liều cao, gần nhau và kéo dài. Nên uống nước sắc cây chó đẻ răng cưa hoặc hoa ắc ti sô, nhân trần.

5. Bilirubin:

Xét nghiệm Bilirubin huyết tương để đánh giá tình trạng ứ, tắc mật. Bilirubin là sản phẩm thoái giáng của huyết sắc tố và có hai loại: Bilirubin gián tiếp hình thành trong hệ thống võng mô, là loại Bilirubin chưa qua gan để vào các đường dẫn mật, không tan được trong nước nên không bài tiết được qua thận. Bilirubin gián tiếp là thành phần chủ yếu của Bilirubin toàn phần và nồng độ bình thường trong huyết tương từ 3,4-13,7 µmol/L. Bilirubin trực tiếp hình thành trong gan từ Bilirubin gián tiếp liên hợp với acid glucoronic, Bilirubin trực tiếp tan được trong nước theo mật vào ruột được chuyển thành urobilinogen và stercobilinogen. Bình thường Bilirubin trực tiếp chỉ có rất ít trong huyết tương (dưới 4,3µmol/L) nên chỉ thấy trong nước tiểu trong trường hợp bệnh lý. Cả hai loại Bilirubin trên kết hợp lại thành Bilirubin toàn phần với nồng độ trung bình trong huyết tương <17µmol/L. Bilirubin gián tiếp tăng do sản xuất (trong các trường hợp có tan máu, khi hấp thu một ổ máu tụ lớn…) hoặc có rối loạn liên hợp Bilirubin (trong tổn thương nhu mô gan, dùng thuốc gây độc cho tế bào gan…). Bilirubin trực tiếp tăng do ứ đọng mật trong gan (viêm gan virut, nhiễm độc, xơ gan mật…) hoặc tắc đường dẫn mật ngoài gan.

Khi Bilirubin tăng không uống bia rượu; nên uống nhiều nước tốt nhất uống nước sắc cây chó đẻ răng cưa hoặc hoa ắc ti sô, nhân trần.

6. Acid uric:

Acid uric là sản phẩm được tạo thành do sự phân hủy các tế bào trong cơ thể và từ thức ăn (chứa purin). Hầu hít acid uric được lọc qua thận và đào thải qua nước tiểu, chỉ một phần nhỏ qua phân. Bình thường nồng độ acid uric trong huyết tương từ 148 – 420 µmol/L, nếu acid uric trong máu hình thành quá nhiều hoặc chức năng đào thận thận suy giảm gây tăng acid uric trong máu. Acid uric trong máu tăng cao gây lắng đọng tinh thể hình kim tại khớp và gây gout cấp. Nếu không điều trị, acid uric có thể lắng đọng ở các mô và hình thành hạt tophi. Ngoài ra, Acid uric tăng cao cóng gây sỏi thận và suy thận. Do đó, chuẩn đoán sớm và điều trị tốt tình trạng tăng acid uric máu, giúp phòng ngừa được các bệnh trên.

Khi acid uric cao không uống bia, rượu, đặc biệt là bia có nhiều nhân purin; nên uống nhiều nước, không ăn măng tươi, hạn chế ăn thít sẫm màu, hải sản.

Xét nghiệm hoá sinh máu là một trong những phương pháp xác định chính xác tình trạng sức khỏe, giúp phát hiện bệnh sớm để có chế độ ăn uống điều trị kịp thời.

(Lưu ý: Việc đáp ứng với các liệu trình điều trị, máy, thiết bị trợ giúp là khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người !
Những thông tin y học trên website chỉ mang tính tham khảo, bạn không được tự ý áp dụng nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc !)

-5%
10.990.000
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

3.290.000
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

3.490.000
Mua
BH 20 năm
Mua
DMCA.com Protection Status