fbpx
Viện điện tử

Iohexol

Tên chung quốc tế

Iohexol

Mã ATC

V08AB02

Loại thuốc

Chất cản quang chứa iod, không ion hóa

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm iohexol 140 mg iod/ml; lọ 50 ml, 200 ml.

Thuốc tiêm iohexol 180 mg iod/ml; lọ 10 ml, 15 ml, 50 ml.

Thuốc tiêm iohexol 210 mg iod/ml; lọ 15 ml, 50 ml, 100 ml.

Thuốc tiêm iohexol 240 mg iod/ml; lọ 10 ml, 20 ml, 50 ml, 200 ml.

Thuốc tiêm iohexol 300 mg iod/ml; lọ 10 ml, 20 ml, 40 ml, 50 ml, 75 ml, 100 ml, 200 ml.

Thuốc tiêm iohexol 350 mg iod/ml; lọ 20 ml, 40 ml, 50 ml, 100 ml, 200 ml.

Tất cả các chế phẩm trên đều chứa 1,21 mg tromethamin và 0,1 mg calci dinatri edetat.

-5%
Original price was: 11.550.000₫.Current price is: 10.990.000₫.
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

Original price was: 3.600.000₫.Current price is: 3.290.000₫.
-6%
Original price was: 3.700.000₫.Current price is: 3.490.000₫.
Mua
BH 20 năm
Mua

Dược lý và cơ chế tác dụng

Iohexol là một thuốc cản quang chứa iod, không ion hóa. Thuốc có khả năng tăng hấp thu X quang khi thuốc đi qua cơ thể, vì vậy làm hiện rõ cấu trúc cơ thể. Mức độ cản quang của thuốc tỷ lệ thuận với toàn lượng (nồng độ và thể tích) chất cản quang có iod trên đường tia X.

Truyền nhỏ giọt iohexol vào bàng quang, thận, niệu quản, tử cung và vòi tử cung cho phép nhìn thấy những vùng này.

Sau khi tiêm trong ống tủy sống vào khoang dưới màng nhện, iohexol khuếch tán vào dịch não tủy và cho phép nhìn thấy khoang dưới màng nhện ở đầu và ống sống.

Sau khi tiêm vào mạch máu, iohexol cản quang làm mạch này hiện rõ trên dòng chảy và cho phép nhìn thấy cấu trúc bên trong cho đến khi máu bị pha loãng đáng kể.

Dược động học

Hấp thu: Khi truyền nhỏ giọt vào bàng quang, có một lượng nhỏ iohexol được hấp thu qua bàng quang. Khi truyền nhỏ giọt vào tử cung, phần lớn iohexol trong khoang tử cung thoát xuống âm đạo ngay sau khi kết thúc thủ thuật. Tuy nhiên, bất cứ chất cản quang nào còn lại trong tử cung hoặc khoang màng bụng đều được hấp thu toàn thân trong vòng 60 phút. Nếu các ống, vòi trứng bị tắc nghẽn và giãn nở thì có thể tới 24 giờ iohexol chưa được hấp thu. Khi tiêm trong ống tủy sống, iohexol khuếch tán lên phía trên nhờ dịch não tủy, thấm vào các bao rễ dây thần kinh, nhánh rễ dây thần kinh và các vùng hẹp của khoang dưới màng nhện. Iohexol cũng vào dịch ngoài tế bào mô não và mặt màng mềm mô não và tiểu não kề sát các vùng dưới màng nhện. Ở người có tuần hoàn dịch não tủy bình thường, iohexol từ dịch não tủy vào máu trong vòng vài giờ.

Phân bố: Sau khi tiêm tĩnh mạch iohexol phân bố nhanh khắp dịch ngoài tế bào, không đọng lại đáng kể trong các mô, không qua hàng rào máu – não, nhưng có tích tụ trong mô kẽ các khối u ác tính ở não do khối u phá vỡ hàng rào máu – não.

Dưới 2% thuốc liên kết với protein huyết tương. Nửa đời của thuốc ở người có chức năng thận bình thường là khoảng 2 giờ khi dùng trong mạch, khoảng 3,4 giờ khi tiêm trong ống tủy. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt ngay sau khi tiêm vào mạch, nhưng sụt xuống nhanh vì iohexol phân bố khắp các ngăn ngoài mạch máu. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh khi tiêm trong ống tủy là 2 – 6 giờ. Thời gian đạt tác dụng cản quang tốt nhất thay đổi tùy theo thủ thuật và vùng tiến hành chụp X quang; đối với chụp X quang tủy sống thông thường: Đạt ngay và trong vòng 30 phút; đối với chụp X quang tủy sống cắt lớp điện toán: 1 giờ (vùng ngực), 2 giờ (vùng cổ), 3 – 4 giờ (bể đáy); đối với chụp X quang động mạch: Đạt ngay; đối với chụp thận đường tĩnh mạch: 5 đến 15 phút.

Chuyển hóa: Iohexol chuyển hóa không đáng kể. Thải trừ:

Dùng trong ống tủy sống: Thải trừ chủ yếu qua thận (88% liều thải trừ không thay đổi trong vòng 24 giờ).

Dùng trong mạch: Chủ yếu qua lọc cầu thận (80 – 90% liều thải trừ không thay đổi trong 24 giờ).

Trong ống dẫn mật hoặc trong bao hoạt dịch: Hấp thu vào mô xung quanh và thải trừ qua thận và ruột, như khi tiêm trong mạch.

Uống: Chỉ 0,1 – 0,5% liều uống thải trừ qua thận; thải trừ qua thận có thể tăng lên khi có thủng ruột hoặc tắc ruột.

Ở người suy thận, iohexol thải trừ kéo dài tùy theo mức độ nặng nhẹ; vì thế kéo dài thời gian có iohexol trong huyết tương, bài tiết qua túi mật và vào ruột non cũng có thể tăng.

Chỉ định

Chụp X quang ống sống (vùng thắt lưng, ngực, cổ và toàn cột ống sống) ở người lớn và trẻ em.

Chụp X quang tim mạch (chụp động mạch vành hoặc buồng tim). Chụp X quang hệ mạch (động mạch chủ, động hoặc tĩnh mạch): Chụp động mạch chủ (cung động mạch chủ, động mạch chủ lên, động mạch chủ bụng cùng các nhánh); chụp các động mạch khác (não hoặc các động mạch ngoại biên); chụp tĩnh mạch ngoại biên để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, để chẩn đoán và đánh giá các u và bệnh về mạch máu (bẩm sinh hay mắc phải); chụp động mạch não để xác định u, di căn, nhồi máu não, phình động mạch, dị dạng động tĩnh mạch.

Chụp X quang niệu quản qua đường tĩnh mạch. Chụp X quang một số thoát vị.

Chụp cắt lớp điện toán não (để xác định u, nhồi máu não hoặc nhiễm khuẩn)

Chụp cắt lớp điện toán cơ thể để đánh giá và phát hiện các tổn thương ở gan, tụy, thận, động mạch chủ, trung thất, vùng chậu, khoang bụng và khoang sau màng bụng.

Chụp X quang ống tụy qua nội soi tụy ngược dòng.

Chụp X quang hệ thống đường mật – tụy qua nội soi mật ngược dòng.

Chụp X quang khớp (trong bao hoạt dịch) Chụp X quang tử cung – buồng trứng.

Chụp cắt lớp điện toán bụng (hỗ trợ): Cho iohexol pha loãng qua đường miệng, phối hợp với iohexol tiêm tĩnh mạch.

Chụp X quang dạ dày – ruột: Uống iohexol không pha loãng để kiểm tra suốt đường tiêu hóa.

Chống chỉ định

Người mẫn cảm với iohexol hoặc các thành phần của thuốc. Người có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng muộn ngoài da với thuốc tiêm có chứa iod.

Nhiễm độc tuyến giáp rõ.

Chụp tử cung – vòi trứng ở người mang thai.

Đối với tất cả các thủ thuật (đặc biệt khi cần tiêm vào trong ống tủy hoặc mạch máu): Chống chỉ định iohexol ở người có tiền sử dị ứng hoặc hen, người suy thận nặng, bị đái tháo đường, trẻ em và người cao tuổi, mẫn cảm với iod.

Tiêm trong ống tủy (dưới màng nhện): Chống chỉ định iohexol ở người nghiện rượu mạn, người bị chảy máu dưới màng nhện, người có tiền sử động kinh, người bị nhiễm khuẩn toàn thân hoặc cục bộ nặng, hoặc bị xơ cứng lan tỏa.

Tiêm trong mạch: Chống chỉ định ở người cường giáp và ở người bị bệnh hồng cầu liềm, u tế bào ưa crom.

Sử dụng chụp tim mạch: Chống chỉ định ở người suy tim khởi phát, người bị tăng huyết áp động mạch phổi nặng. Đau thắt ngực không ổn định.

Chụp X quang động mạch não: Chống chỉ định ở người bị xơ cứng động mạch lâu ngày (nặng), người suy tim mất bù, người mới bị nghẽn mạch não, người tăng huyết áp nặng, lão suy hoặc mới bị huyết khối.

Chụp X quang niệu quản qua đường tĩnh mạch: Chống chỉ định ở người vô niệu – đái tháo đường.

Chụp X quang tử cung – buồng trứng: Chống chỉ định trong thời gian có kinh, nhiễm khuẩn, mang thai; ít nhất 6 tháng sau khi sinh hoặc 30 ngày sau khi cắt lọc một mẫu mô hình nón ở cổ tử cung.

Thận trọng

Như mọi thuốc cản quang chứa iod, iohexol có thể gây phản ứng từ nhẹ đến nặng thậm chí gây tử vong. Những phản ứng này xảy ra nhanh (dưới 60 phút) hoặc chậm (tới 7 ngày), không dự báo trước được và thường gặp nhiều hơn ở những người bệnh có tiền sử dị ứng, tình trạng lo âu, hoặc có tiền sử mẫn cảm với sản phẩm có iod. Không thể phát hiện được phản ứng bằng test dùng iod. Do đó phải luôn có thuốc và các phương tiện cấp cứu ngay.

Cần rất thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em và người cao tuổi. Thận trọng khi dùng sản phẩm cản quang có iod với tuyến giáp, khi dùng cho người không dung nạp các sản phẩm cản quang có iod, người suy thận, người phải lọc máu, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn về TKTW (xem trong chuyên luận Iobitridol).

Tiêm thuốc trong ống tủy sống (dưới màng nhện):

Rất thận trọng khi chỉ định cho người có tiền sử động kinh hoặc suy gan, thận nặng.

Bệnh nhân điều trị thuốc chống co giật không nên ngừng điều trị. Sau khi chụp, bệnh nhân nên nằm tối đa 8 tiếng và được theo dõi tiếp 24 giờ sau đó, nếu không có chỉ định khác.

Dùng iohexol để chụp tử cung – vòi trứng, có thể tăng nguy cơ biến chứng ở người bị nhiễm khuẩn đường sinh dục, làm nặng thêm bệnh viêm vùng chậu cấp tính. Nên thận trọng cả ngay sau khi phẫu thuật tử cung hoặc cổ tử cung để tránh nguy cơ gây biến chứng. Khi tiêm vào mạch, iohexol có thể làm huyết áp tăng nhanh ở người có u tế bào ưa crom; phải duy trì liều iohexol ở mức tối thiểu và phải theo dõi huyết áp trong quá trình tiến hành; cũng nên điều trị trước bằng thuốc chẹn alpha – adrenergic, thí dụ phentolamin.

Dùng iohexol chụp X quang động mạch não, có thể tăng nguy cơ huyết khối và nghẽn mạch ở người bị homocystin niệu.

Dùng chụp X quang động mạch ngoại vi, iohexol có thể gây co thắt mạnh tĩnh hoặc động mạch trong bệnh Buerger, có thể tăng nguy cơ biến chứng ở người thiếu máu cục bộ nặng do nhiễm khuẩn ngược dòng.

Dùng chụp X quang thận qua đường tĩnh mạch, iohexol có thể tăng nguy cơ suy thận cấp ở người đái tháo đường.

Dùng chụp X quang khớp, iohexol có thể tăng nguy cơ biến chứng ở người bị nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc gần khớp khảo sát.

Thời kỳ mang thai

Nghiên cứu trên động vật chưa thấy dấu hiệu gây quái thai. Chế phẩm có iod có thể làm suy tuyến giáp trạng của thai nhi khi dùng cho người mẹ đã có thai trên 14 tuần. Cần cân nhắc kỹ lợi ích/nguy cơ để quyết định dùng thuốc.

Hơn nữa, cũng không nên dùng X quang ổ bụng trong thời kỳ mang thai vì nguy cơ của tia X gây ra cho thai nhi.

Không nên truyền nhỏ giọt vào tử cung trong thời kỳ mang thai hoặc ít nhất 6 tháng sau khi sinh vì thủ thuật có thể làm tăng nguy cơ biến chứng như gây nhiễm khuẩn trong tử cung.

Chống chỉ định chụp tử cung – vòi trứng cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Mặc dầu chưa biết iohexol bài tiết trong sữa mẹ tới mức độ nào, nhưng khuyên không nên cho con bú trong ít nhất 24 giờ sau khi dùng iohexol.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Như mọi thuốc cản quang chứa iod khác, thuốc này có thể dẫn đến các phản ứng không dung nạp ở mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng hoặc gây tử vong và không dự đoán trước được ADR. Thường xảy ra nhiều hơn ở những người bệnh có tiền sử dị ứng, trạng thái lo âu hoặc nhạy cảm đặc biệt ở lần thử nghiệm trước với sản phẩm có iod.

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Nhức đầu nhẹ hoặc vừa, đau lưng, chóng mặt, đau.

Tiêu hóa: Buồn nôn và nôn nhẹ hoặc vừa (tiêm dưới màng nhện hoặc mạch máu); ỉa chảy nhẹ và tạm thời (khi uống); đau bụng hoặc dạ dày, khó chịu (tiêm vào túi mật hoặc tử cung).

Thần kinh: Kích ứng màng não (cứng gáy) (chỉ khi dùng đường ống tủy).

Tuần hoàn: Nhịp tim chậm (chụp X quang tim mạch).

Cơ xương: Đau khớp hoặc làm bệnh đau khớp nặng lên, sưng khớp (tiêm vào trong bao hoạt dịch).

Ít gặp, 1/100 > ADR > 1/1 000

Toàn thân: Nhức đầu nặng, mệt mỏi thất thường hoặc yếu cơ, vã mồ hôi (tiêm vào dưới màng nhện), sốt (tiêm mạch máu, túi mật). Tiêu hóa: Chán ăn (tiêm vào dưới màng nhện), vị kim loại (tiêm mạch máu), căng giãn thận – bể thận (tiêm túi mật, tử cung).

Thần kinh: Cảm giác nóng thất thường và nhẹ, ù tai (tiêm vào dưới màng nhện); ngủ gà (tiêm vào dưới màng nhện, mạch máu, túi mật, tử cung).

Mắt: Tăng nhạy cảm với ánh sáng (tiêm vào dưới màng nhện), nhìn mờ hoặc có các thay đổi thị giác khác (tiêm mạch máu).

Tiết niệu – sinh dục: Tiểu tiện khó (tiêm vào dưới màng nhện).

Da: Mày đay (tiêm mạch máu).

Tại chỗ: Đau hoặc nóng rát tại chỗ tiêm (tiêm mạch máu).

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000

Phản ứng mẫn cảm: Phản ứng dạng phản vệ; phản ứng dị ứng giả có biểu hiện như ớn lạnh liên tiếp, sốt liên tiếp, vã mồ hôi, ban da hoặc mày đay, nghẹt mũi, hắt hơi, sưng mặt hoặc da, phù thanh quản, thở khò khè, nặng ngực hoặc rối loạn thở (tất cả các đường dùng thuốc).

Lưu ý: Phản ứng dị ứng giả có tính chất tạm thời và có thể là những biểu hiện khởi đầu của phản ứng dạng phản vệ nặng hơn.

Tuần hoàn: Hạ huyết áp nặng (tiêm vào dưới màng nhện hoặc tiêm mạch máu), nhiễm độc tim, gây nhịp thất nhanh hoặc rung thất, viêm tĩnh mạch huyết khối, nhịp tim chậm (tiêm mạch máu), ngừng tim.

Thần kinh: Viêm màng não vô khuẩn (tiêm vào dưới màng nhện), co giật (tiêm mạch máu).

Hô hấp: Co thắt phế quản hoặc phù phổi (tiêm vào dưới màng nhện hoặc tiêm mạch máu).

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Phản ứng giống dị ứng nhẹ: Tiêm tĩnh mạch thuốc kháng histamin như diphenhydramin hydroclorid (trừ người bệnh động kinh).

Phản ứng nặng hoặc đe dọa tính mạng: Theo dõi cẩn thận các dấu hiệu sống và tiến hành điều trị cấp cứu kể cả hô hấp nhân tạo với oxygen, nếu cần, đối với suy hô hấp và ép tim trong trường hợp ngừng tim.

Phản ứng dạng phản vệ hoặc phản ứng giống dị ứng cấp: Truyền tĩnh mạch chậm 0,1 mg adrenalin (1:10 000).

Co thắt phế quản vừa và nhẹ: Tiêm dưới da 0,1 – 0,2 mg adrenalin (1:1 000), trừ trường hợp hạ huyết áp khi đang dùng thuốc chẹn beta. Trường hợp hết sức khẩn cấp, truyền tĩnh mạch chậm 0,1 mg adrenalin (1:10 000), sau đó truyền liên tục với tốc độ khởi đầu 0,001 mg/phút, tăng tốc độ đến 0,004 mg/phút, nếu cần. (Lưu ý: Người bệnh đang dùng các chất chẹn beta-adrenergic không nên cho dùng adrenalin vì gây nguy cơ kích thích alpha-adrenergic quá mức, có thể dẫn đến tăng huyết áp, nhịp tim chậm phản xạ và blốc tim. Ở những người bệnh này, thay adrenalin bằng dùng isoproterenol để khắc phục co thắt phế quản và noradrenalin để giải quyết hạ huyết áp).

Ngừng tim: Tiêm tĩnh mạch 0,1 – 1 mg adrenalin.

Để phục hồi lại huyết áp, truyền tĩnh mạch các dịch và/hoặc thuốc tăng huyết áp. Nếu do hạ huyết áp mà cần thuốc tăng huyết áp, thì truyền chậm noradrenalin 0,008 – 0,012 mg/phút hoặc phenylephedrin 0,1 – 0,18 mg/phút, đã được pha loãng thích hợp. Nếu hạ huyết áp do cường đối giao cảm (phản ứng đối giao cảm vận – mạch), thì tiêm tĩnh mạch 1 mg atropin, sau một đến hai giờ tiêm nhắc lại nếu cần.

Để kiểm soát cơn co giật, tiêm tĩnh mạch chậm 5 – 10 mg diazepam, hoặc tiêm bắp hoặc tĩnh mạch phenobarbital natri với tốc độ không được quá 30 – 60 mg/phút.

Điều trị trước bằng corticosteroid và/hoặc thuốc kháng histamin có thể giảm thiểu tỷ lệ và tính nghiêm trọng của phản ứng ở những người có tiền sử phản ứng nặng với chất cản quang hoặc có những nguy cơ cao (như hen hoặc có tiền sử dị ứng, mất nước, tiền sử động kinh, u tế bào ưa chrom). Một vài công trình nghiên cứu cho thấy rằng dùng thêm ephedrin có tác dụng tốt để phòng ngừa các phản ứng dạng phản vệ (trừ những người có tiền sử tăng huyết áp hoặc có bệnh tim mạch).

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng và hàm lượng dùng thay đổi tùy theo loại kiểm tra, kỹ thuật và đường dùng chất cản quang. Liều dùng chụp X quang trung bình được khuyến cáo như sau:

Dùng trong ống tủy sống:

Người lớn:

Cách dùng: Phải tiêm chậm trong thời gian 1 – 2 phút. Không được vượt quá 3 060 mg iod và không được vượt quá 300 mg iod/ml mỗi lần làm thủ thuật.

Chụp tủy sống vùng thắt lưng (tiêm vùng thắt lưng): 10 – 17 ml dung dịch 180 mg iod/ml; hoặc 7 – 12,5 ml dung dịch 240 mg iod/ml.

Chụp tủy sống vùng cổ: 7 – 12,5 ml dung dịch 180 mg iod/ml, tiêm vùng C1 – C2; hoặc 6 – 12,5 ml dung dịch 240 mg iod/ml, tiêm vùng thắt lưng/tiêm vùng C1 – C2; hoặc 6 – 10 ml dung dịch 300 mg iod/ml, tiêm vùng thắt lưng; hoặc 4 – 10 ml dung dịch 300 mg iod/ml, tiêm vùng C1 – C2.

Chụp tủy sống vùng ngực, tiêm vùng thắt lưng/cổ: 6 – 12,5 ml dung dịch 240 mg iod/ml; hoặc 6 – 10 ml dung dịch 300 mg iod/ml.

Chụp tủy sống toàn bộ cột sống (tiêm vùng thắt lưng): 6 – 12,5 ml dung dịch 240 mg iod/ml; hoặc 6 – 10 ml dung dịch 300 mg iod/ml.

Trẻ em:

Cách dùng: Tiêm chậm vào trong ống sống 1 – 2 phút. Không được vượt quá 2 700 mg iod và không được vượt quá 180 mg iod/ml mỗi lần làm thủ thuật.

Dùng dung dịch 180 mg iod/ml, tổng liều được khuyến cáo cho chụp tủy vùng thắt lưng, ngực, cổ, và/hoặc toàn bộ cột sống là: 0 tới < 3 tháng tuổi: 2 – 4 ml; 3 tháng tuổi tới < 36 tháng tuổi: 4 – 8 ml; 3 tuổi tới < 7 tuổi: 5 – 10 ml; 7 tuổi tới < 13 tuổi: 5 – 12 ml; 13 – 18 tuổi: 6 – 15 ml.

Dùng trong mạch:

Người lớn:

Dùng loại dung dịch 140/300/350 mg iod/ml.

Chụp tâm thất: Tiêm 40 ml (30 – 60 ml); có thể nhắc lại nếu cần nhưng không quá 250 ml.

Chụp chọn lọc động mạch vành: 5 ml (3 – 14 ml) mỗi lần tiêm. Nghiên cứu động mạch chủ gốc và quai động mạch chủ: 50 ml (20 – 75 ml) khi dùng đơn chất. Chụp động mạch phổi: 1 ml/kg.

Dùng kết hợp trong chụp động mạch: Tổng liều không quá 5 ml/ kg hoặc 250 ml.

Chụp động mạch chủ và chọn lọc động mạch: Động mạch chủ: 50 – 80 ml; động mạch nhánh chính bao gồm nhánh bụng, động mạch màng treo ruột: 30 – 60 ml; động mạch thận: 5 – 15 ml, tổng không được quá 291 ml với dung dịch 300 mg iod/ml hoặc 250 ml với dung dịch 350 mg iod/ml nếu tiêm nhắc lại.

Chụp động mạch não: Động mạch cảnh chung: 6 – 12 ml. Động mạch cảnh trong: 8 – 10 ml.

Động mạch cảnh ngoài: 6 – 9 ml. Động mạch đốt sống: 6 – 10 ml. Trẻ em:

Dùng loại dung dịch 240/300/350 mg iod/ml

Chụp tâm thất: 1 – 1,5 ml/kg dung dịch 350 mg iod/ml, không quá 5 ml/kg hoặc 250 ml khi cần tiêm lặp lại nhiều lần; hoặc 1,5 – 2 ml/kg dung dịch 300 mg iod/ml, không quá 6 ml/kg hoặc 291 ml khi cần tiêm lặp lại nhiều lần.

Chụp động mạch phổi: 1 ml/kg.

Chụp động mạch cảnh và động mạch có lựa chọn: 1 ml/kg liều đơn, không quá 5 ml/kg hoặc 250 ml khi cần tiêm lặp lại nhiều lần.

Chụp CT cắt lớp toàn cơ thể:

Người lớn:

CT não: Tiêm: 70 – 150 ml dung dịch 300 mg iod/ml hoặc 80 ml dung dịch 350 mg iod/ml. Tiêm truyền nhỏ giọt: 120 – 250 ml dung dịch 240 mg iod/ml.

CT cơ thể: Tiêm 50 – 200 ml dung dịch 300 mg iod/ml hoặc 60 – 100 ml dung dịch 350 mg iod/ml.

Trẻ em:

CT não: Tiêm: 1 – 2 ml/kg, không quá 28 g iod với dung dịch 240 mg iod/ml hoặc 35 g iod với dung dịch 300 mg iod/ml. Tiêm truyền nhỏ giọt: 120 – 250 ml dung dịch 240 mg iod/ml.

CT cơ thể: Tiêm 50 – 200 ml dung dịch 300 mg iod/ml; 60 – 100 ml dung dịch 350 mg iod/ml.

Chụp X quang loại trừ bằng kỹ thuật số

Người lớn:

Thường tiêm 30 – 50 ml dung dịch 350 mg iod/ml, tiêm 7,5 – 30 ml/giây bằng bơm tiêm áp suất.

Tiêm trong động mạch (dung dịch 140 mg iod/ml) cho đầu, cổ, bụng, thận và mạch ngoại vi, tiêm cả liều 1 lần hoặc nhiều lần vào trong động mạch: Động mạch chủ: 20 – 45 ml, tiêm với tốc độ 8 – 20 ml/giây; động mạch cảnh: 5 – 10 ml, 3 – 6 ml/giây; động mạch đùi: 9 – 20 ml, 3 – 6 ml/giây; động mạch đốt sống: 4 – 10 ml, 2 – 8 ml/giây; động mạch thận: 6 – 12 ml, 3 – 6 ml/giây; nhánh khác của động mạch chủ: 8 – 25 ml, 3 – 10 ml/giây.

Chụp đường tiết niệu qua đường tĩnh mạch

Người lớn: 200 – 350 mg iod/kg trọng lượng cơ thể, dùng dung dịch 300/350 mg iod/ml.

Trẻ em: 0,5 – 3 ml/kg (thường dùng là 1 – 1,5 ml/kg), dùng dung dịch 300 mg iod/ml, trẻ nhỏ và trẻ em phụ thuộc nhiều vào tuổi và cân nặng. Không được vượt quá 3 ml/kg.

Uống:

Người lớn (dùng dung dịch 240/300/350 mg iod/ml):

Chụp đường tiêu hóa: Uống 50 – 100 ml dung dịch 350 mg iod/ml, không pha loãng, phụ thuộc vào tính chất thủ thuật và kích cỡ người bệnh.

Chụp CT cắt lớp ổ bụng (uống phối hợp với tiêm tĩnh mạch):

Liều uống dùng cách 20 – 40 phút trước liều tiêm tĩnh mạch. Uống 500 – 1 000 ml dung dịch 6 – 9 mg iod/ml, phối hợp với tiêm tĩnh mạch 100 – 150 ml dung dịch 300 mg iod/ml.

Trẻ em: (dùng dung dịch 180/240/300 mg iod/ml)

Chụp đường tiêu hóa: < 3 tháng: 5 – 30 ml dung dịch 180 mg iod/ml; 3 tháng – 3 tuổi: Cho tới 60 ml dung dịch 180/240/300 mg iod/ml; 4 – 10 tuổi: Cho tới 80 ml dung dịch 180/240/300 mg iod/ml; 10 tuổi: Cho tới 100 ml dung dịch 180/240/300 mg iod/ml.

Chụp CT cắt lớp ổ bụng: Liều uống dùng cách 30 – 60 phút trước liều tiêm tĩnh mạch. Uống 180 – 750 ml dung dịch 9 – 21 mg iod/ml (được pha loãng từ dung dịch 300 mg iod/ml) cho uống làm một lần hoặc trong 30 – 45 phút, dùng phối hợp với tiêm tĩnh mạch 1 – 2 ml/kg thể trọng dung dịch 240 hoặc 300 mg iod/ml. Tổng liều uống không được quá 5 g iod đối với trẻ em < 3 tuổi, 10 g iod đối với trẻ em từ 3 – 18 tuổi. Tổng liều tiêm tĩnh mạch không được vượt quá 3 mg/kg thể trọng. Chụp X quang bàng quang – niệu đạo ngược dòng:

Liều người lớn thường dùng: Truyền nhỏ giọt vào bàng quang 50 – 300 ml dung dịch chứa 10% iod hoặc 50 – 600 ml dung dịch 5% iod, tùy theo tuổi và dung tích của bàng quang.

Chụp tử cung – vòi trứng: Liều người lớn thông thường: Nhỏ giọt vào tử cung 15 – 20 ml dung dịch 240 hoặc 300 mg iod/ml.

Tương tác thuốc

Metformin: Nhiễm acid lactic có thể xảy ra do suy thận chức năng gây ra do thăm khám X quang ở người bệnh đái tháo đường. Phải ngừng điều trị metformin 48 giờ trước khi làm thủ thuật X quang và chỉ dùng lại khi chức năng thận trở lại bình thường.

Các thuốc cản quang: Thuốc cản quang có iod làm rối loạn (trong nhiều tuần) mô tuyến giáp hấp thu iod phóng xạ, dẫn đến giảm một phần hiệu quả điều trị bằng 131I. Khi dự kiến chụp tia nhấp nháy thận dùng thuốc tiêm có phóng xạ được ống thận tiết, thì nên thực hiện trước khi tiêm thuốc cản quang iod.

Thuốc chẹn beta, thuốc co mạch, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin: Các thuốc này làm giảm hiệu quả của cơ chế bù của tim mạch đối với rối loạn huyết áp. Thầy thuốc phải có thông tin trước khi tiêm thuốc cản quang iod và chuẩn bị sẵn phương tiện cấp cứu.

Thuốc lợi tiểu: Nguy cơ thiếu nước do thuốc lợi tiểu, phải tiếp nước trước để giảm nguy cơ suy thận cấp.

Interleukin 2: Tăng nguy cơ phản ứng với các thuốc cản quang khi mới sử dụng interleukin 2 (đường tĩnh mạch), gây phát ban da, hiếm hơn là hạ huyết áp, đi tiểu ít, thậm chí suy thận.

Thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, và thuốc an thần phenothiazin có thể làm giảm ngưỡng co giật khi tiêm iohexol trong ống tủy.

Các thuốc uống để chụp X quang túi mật có thể làm tăng nguy cơ gây độc với thận khi cần tiêm mạch máu iohexol ngay sau đó, đặc biệt ở người bệnh suy chức năng gan.

Tiêm iohexol trong ống tủy hoặc trong mạch đồng thời với dùng các thuốc gây độc thận khác có thể tăng khả năng nhiễm độc thận. Tương tác cận lâm sàng:

Nồng độ chất cản quang có iod cao trong huyết tương và nước tiểu làm nhiễu (rối loạn) định lượng in vitro của bilirubin, protein và các chất vô cơ (sắt, đồng, calci, phosphat). Khuyến cáo không nên định lượng nồng độ các chất này trong 24 giờ sau khi làm xét nghiệm.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, từ 15 – 30 oC trong lọ kín, tránh ánh sáng. Tránh làm đông lạnh.

Iohexol là dung dịch trong, không màu hoặc có màu vàng nhạt. Không được dùng nếu dung dịch bị vẩn đục hoặc biến màu. Phần còn lại không dùng đến phải bỏ.

Tương kỵ

Iohexol tương kỵ với nhiều loại thuốc. Vì vậy, không trộn thuốc khác vào chung bơm tiêm với iohexol, dùng ống tiêm riêng biệt.

Quá liều và xử trí

Chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao. Cần bù nước và chất điện giải. Theo dõi chức năng thận trong ít nhất 3 ngày. Thẩm phân máu có thể được làm, nếu cần. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Thông tin qui chế

Iohexol có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

Befind; Fasran inj 300; Ioxol; Jufax inj 300; Omnihexol Inj. 300; Omnipaque.

Nguồn tham khảo

Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học

(Lưu ý: Việc đáp ứng với các liệu trình điều trị, máy, thiết bị trợ giúp là khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người !
Những thông tin y học trên website chỉ mang tính tham khảo, bạn không được tự ý áp dụng nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc !)

-5%
Original price was: 11.550.000₫.Current price is: 10.990.000₫.
Mua
-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

Original price was: 3.600.000₫.Current price is: 3.290.000₫.
-6%
Original price was: 3.700.000₫.Current price is: 3.490.000₫.
Mua
BH 20 năm
Mua
DMCA.com Protection Status